Chia sẻ kinh nghiệm leo núi Bà Đen - Phần 2

1:42 PM A Tiếu 0 bình luận


Như đã chia sẻ ở phần 1 về cách leo núi Bà Đen theo đường cột điện, phần 2 sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đi xuống theo lối đường chùa, lối đi này có độ dốc cao hơn 1 chút, tuy nhiên cũng chẳng đến mức phải lo lắng về mức độ nguy hiểm của nó, vì đến ông bà già cũng có thể đi được thì thanh niên, sức trẻ có xá gì.

Để đi xuống theo đường cột điện, các bạn sau khi đã lên đến cột đá trên đỉnh thì đi tiếp tục theo lối mòn có sẵn phía sau cột đá, nhớ men theo bên trái, cho tới khi nào các bạn thấy bãi đất trống thật to, có cái lán thì các bạn đã đi đúng đường rồi. Từ đây trở xuống thì thật đơn giản, cứ theo lối mòn có sẵn mà đi xuống, nếu đi mùa khô thì đi rất dễ, nếu đi sáng sớm, ngày có sương mù, ngày mưa thì nên cẩn thận kẻo "chụp ếch" như chơi.

Vị trí cột đá đầu tiên các bạn sẽ gặp khi lên đến đỉnh

Tôi đặc biệt thích cái vị trí này, cái vị trí mà các bạn sau khi đã qua được bụi cây rậm rạp ở cột đá đầu tiên, đến bãi đất trống, rồi đi xuống tí xíu nữa sẽ có một bãi trống nữa. Chỗ này quang cây, nên bạn có thể dễ dàng phóng tầm mắt của mình để nhìn về hướng chân trời, về hồ Dầu Tiếng, về những con đường bé tí mà chỉ có đi máy bay nhìn xuống bạn mới thấy được. Đặc biệt chỗ này có một cục đá to nhô ra ngoài, bạn có thể trèo lên đây chụp ảnh, hóng mát, hay đơn giản chỉ là nằm nghỉ, hướng mặt lên trời và tận hưởng cảm giác bình yên của chốn núi rừng. Lần nào cũng vậy, sau khi leo lên đỉnh, cắm trại ở cột đá đầu tiên, sáng sớm hôm sau đi xuống tới đây, tôi đều ở lại rất lâu, để ngắm, để nhìn, để tận hưởng cái không khí mà chỉ ở Bà Đen mới có, rồi mới bắt đầu xuống núi để trở lại Sài Gòn "hít bụi".

Tảng đá hướng về phía hồ Dầu Tiếng
Đường đi xuống một số chỗ không có cây cối, nên nếu đi trễ sẽ rất nắng, bạn nào sức khoẻ không tốt sẽ nhanh mệt, nhưng cũng không đến mức phải lo lắng vì đường này xuống chùa, nên sẽ có nhiều hàng quán bán nước cho bạn. Nếu có điều kiện các bạn hãy mua nước ủng hộ những người này, họ mang vác nước đá, nước suối và các loại nước ngọt từ dưới đất lên đây rất cực khổ, giá cũng không mắc lắm đâu, tầm 15k thôi, mình thường xuyên ghé quán của chú bán nước ngay động ông Hổ, đây là quán nước đầu tiên các bạn sẽ gặp khi đi xuống, nhưng quán chỉ bán thứ 7, chủ nhật và ngày lễ chùa thôi nhé.

Quán nước đầu tiên trên đường xuống hướng chùa
Trên đường xuống, bạn sẽ gặp một tảng đá lớn, rất dốc, gần như dựng đứng, những người đi trước đã phải làm thang sắt cho dễ đi. Nếu bạn giữ thăng bằng tốt thì nên quay mặt ra ngoài để đi cho nhanh, còn nếu bạn sợ độ cao thì nên quay mặt vô trong và bước từng bước chậm rãi xuống.

Con dốc lớn hướng đường chùa
Sau khi xuống đến chùa, quãng đường còn lại là rất đơn giản, vì chùa từ lâu đã xây dựng bậc thang cho du khách thập phương đi lại dễ dàng. Nếu đi ngày rằm, ngày tết thì chùa ở đây rất đông đúc, phải chen vai mà đi, còn ngày thường thì rất vằng vẻ, bạn có thể tham quan trước khi xuống chân núi. Ngoài ra, ở đây còn có dịch vụ cáp treo và máng trượt để bạn xuống núi nhanh hơn và vui hơn, nhưng mình thích đi bộ hơn nên chẳng bao giờ đi mấy cái này, nếu đi ngày thường thì hay được giảm giá vé 1 người, ví dụ đi 4 người trả tiền 3 người, bạn cũng có thể deal giá với nhân viên bán vé.

Cảnh chùa Bà Đen
Sau khi xuống tới mặt đất, bạn rẽ phải để trở lại ra cổng, có thể đi bộ hoặc đi xe ôm để trở lại quán cô Năm lấy xe. Từ đây sẽ trở ra, chạy ngược về Sài Gòn, kết thúc hành trình leo núi của mình.

Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ và an toàn!

0 nhận xét :