Chia sẻ kinh nghiệm leo núi Bà Đen - Phần 1

11:07 AM A Tiếu 0 bình luận


Chào các bạn, nếu đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh thì chắc hẳn bạn nào cũng biết đến núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ với chiều cao 986m (theo wiki tiếng Việt) nằm ở tỉnh Tây Ninh. Đây sẽ là thử thách không nhỏ cho các bạn lần đầu leo núi muốn chinh phục nó. Tuy nhiên, cũng không phải là quá khó để leo lên đến đỉnh, chỉ cần bạn có quyết tâm, lòng kiên trì là có thể chinh phục được ngọn núi này.

Núi Bà Đen

Quãng đường di chuyển từ Tp.HCM đến núi Bà Đen tầm khoảng 100km theo hướng quốc lộ 22, tới ngã ba Trảng Bàng thì các bạn nên rẽ theo hướng tỉnh lộ 784 để đi thẳng đến núi, hoặc muốn tham quan các danh lam thắng cảnh ở Tây Ninh thì có thể tiếp tục theo quốc lộ 22 vào thị xã. Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn đường lên núi, các danh lam thắng cảnh ở thị xã các bạn google giúp mình nhé.

Thông thường mình đi leo núi Bà Đen là sáng đi chiều về, cũng gần giống như tập thể dục sau một tuần làm việc vất cả. Nếu các bạn muốn vui chơi ở lại trên đỉnh thì có thể đi vào trưa hoặc chiều ngày hôm trước, leo núi đêm lên đỉnh (sẽ rất thú vị đấy), cắm trại, vui chơi ca hát, ngày hôm sau thì trở xuống. Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, leo trong ngày thì các bạn sẽ rất khỏe bởi chẳng phải mang vác thứ gì, ngoài nước uống và một ít đồ ăn vặt, còn leo đêm ngủ lại thì các bạn phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cho một đêm trên đỉnh, muốn hoành tráng thì phải mang vác nhiều, cái này thì tùy vào thể trạng của nhóm các bạn mà mang vác cho hợp lý. Kinh nghiệm là mang đồ ăn VỪA ĐỦ, mình nhấn mạnh chữ vừa đủ vì thông thường với tâm lý đi chơi xa, các bạn thường hay mang nhiều đồ ăn, nhưng các bạn nên nhớ là chúng ta leo núi, mỗi 100gram mang theo cũng sẽ khiến bạn nổi khùng và mệt mỏi khi leo. Vì vậy, hãy mang những gì các bạn thực sự sẽ ăn trên đỉnh núi.

Núi Bà Đen có khá nhiều đường để leo lên, nhưng thông thường thì có 3 con đường sau đây:
  • Đường cột điện: dễ đi nhất, tuy dài nhưng phù hợp cho các bạn mới leo lần đầu
  • Đường chùa: đường dốc, nắng vì đoạn từ chùa lên toàn đá, không có cây cối trên đường đi, mùa mưa đoạn này khá nguy hiểm vì nguy cơ đá lở, mình đã từng là thủ phạm làm sạc lở đá lăn xuống, bên dưới có người đang leo lên, rất may mắn là đá chẳng trúng ai cả, nên các bạn nên cẩn thận đoạn này khi trời mưa.
  • Đường Ma Thiên Lãnh: đây là con đường khó đi nhất, dài nhất, và đẹp nhất. Với người mới sẽ không khuyến khích đi đường này, trừ khi các bạn đều có sức khỏe, các bạn có thể thuê người dẫn đường để lên đỉnh. Nếu các bạn chuyên nghiệp, có thể tự đi mà không cần dẫn đường.
Bài viết này mình sẽ chia sẻ các bạn cách lên cột điện, xuống chùa vì đây là con đường cơ bản nhất dành cho người mới. Đầu tiên các bạn di chuyển đến địa điểm như hướng dẫn trong map dưới đây:
Tới điểm này là quán sơ ri của cô Năm, tại đây các bạn có thể gửi xe (có gửi qua đêm), uống nước, nằm võng, ngủ … Đây là điểm lui tới của dân leo núi Bà Đen vì quán này nằm ngay đường lên núi. Sau khi ổn định đội hình, các bạn có thể men theo bức tường của ngôi chùa trước mặt để bắt đầu chinh phục đỉnh núi. Nếu đi ban ngày, các bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những mũi tên chỉ hướng lên đỉnh, các bạn chỉ việc đi theo những mũi tên đó. Lưu ý là trong khoảng 300m đầu tiên mũi tên sẽ xuất hiện thường xuyên để hướng dẫn các bạn, nếu các bạn đi một lúc mà không thấy mũi tên nữa thì chứng tỏ các bạn đã đi lạc. Một dấu hiệu để chứng tỏ bạn đi lạc là sẽ thấy rất nhiều xoài, vì bạn đã đi lạc vào rẫy của người bản xứ, dưới chân núi người ta trồng nhiều loại trái cây. Lời khuyên là hãy quay lại mũi tên gần nhất mà bạn thấy và đi về một hướng khác. Nếu đi đêm, các mũi tên sẽ khó thấy hơn, các bạn nên cẩn thận (mình đã từng bị lạc trong đêm ở chân núi, mặc dù đã leo Bà Đen rất nhiều lần).

Leo núi theo đường cột điện
Các mũi tên trên đường đi
Sau khi lên được một đoạn chừng 200m chiều cao, các bạn có thể yên tâm sẽ không bị lạc, vì lúc này sẽ chỉ còn 1 con đường mòn duy nhất, dấu hiệu để biết bạn đi đúng đường đó là những cây cột điện, nếu vẫn thấy cột điện trên đường đi, các bạn đã đi đúng hướng. Bật mí cho các bạn một dòng suối trên đường đi: các bạn khi leo tới cột điện thứ 55, đoạn bậc thang đi lên và một tảng đó to bên phải, các bạn lên đỉnh tảng đá, đi ngang qua tảng đá này (nhớ cẩn thận) thì sẽ thấy một ống nước nhỏ và nước chảy. Nước này rất mát, các bạn sẽ thấy thích vì đang mệt mà có nước rửa mặt sẽ rất sảng khoái.


Suối ở cột điện 55

Tới đây các bạn còn một nửa chặng đường để lên tới đỉnh, dấu hiệu để biết các bạn gần lên tới đỉnh, đó là nhiệt độ thay đổi, các bạn sẽ thấy trời mát hơn, sương nhiều hơn. Cây cối thấp hơn, đặc biệt là thấy tre, trúc. Sau khi lên đến cột đá, tức là bạn đã lên tới đỉnh núi. Tới đây sẽ có 2 phương án cho các bạn cắm trại, hoặc là cắm trại tại cột đá, hoặc là qua lán. Mỗi chỗ có ưu nhược điểm khác nhau, lán tuy có mái che nhưng nền đá dơ, cộng thêm việc có khác nhiều người cắm trại ở đó (nếu đi cuối tuần hoặc ngày lễ). Hệ quả là có cả một núi rác ngay đó, rất mất vệ sinh. Cắm trại ở cột đá thì sạch sẽ nhưng không có mái che, sương đêm thường rất lạnh, các bạn nên mang theo lều, túi ngủ để có thể sống xót qua đêm trên đỉnh.


Chinh phục thành công


Lán nghỉ chân trên đỉnh (cập nhật: lán đã sập)
Các vật dụng cần thiết khi leo núi:
  • Nước: mang theo đủ uống, dư càng tốt, nhưng phải cân đối với sức khỏe, tối thiểu 1L.
  • Đồ giữ ấm: có thể là quần áo, túi ngủ, lều ... miễn sao có thể giúp bạn giữ ấm cơ thể trên đỉnh núi đêm, vì bảo đảm bạn sẽ không thể ngủ nổi vì lạnh.
  • Đèn pin: leo núi đêm bạn phải có đèn pin, nếu leo ban ngày thì không cần, tuy nhiên phòng thân một cây đèn pin tốt luôn có lợi.
  • Thức ăn: mang những gì bạn thực sự dùng đến, không tham mà mang nhiều đồ ăn.
  • Giày: một đôi giày tốt, bền, mang thoải mái, không quan trọng phải là giày leo núi chuyên dụng.
  • Găng tay: sẽ giúp bạn rất nhiều khi leo núi đấy.
  • Mặc quần áo gọn nhẹ, thoải mái, khi leo núi cơ thể sẽ rất nóng.

0 nhận xét :